Nguồn cung nhà chung cư ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM hạn chế đã khiến giá nhà chung cư tăng. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, có cả chiêu trò “thổi giá” của các “cò”.
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, trong 8 tháng năm 2022, các phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá rao bán tăng từ 15 – 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp ở TP.HCM tăng lần lượt là 3%, 5,5% và 8%.
Hiện trên thị trường chung cư Hà Nội, căn hộ trung cấp (30 – 50 triệu đồng/m2) có giá rao bán tăng cao nhất (15,5%). Đây là phân khúc thu hút lượng quan tâm lớn nhất và tăng mạnh nhất (10%), lượng tin đăng cũng tăng 11%. Tốc độ tăng giá chung cư Hà Nội cao khoảng gấp 2 thậm chí gấp 3 so với TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết căn hộ bình dân ngày càng hạn hẹp do giá trị đất ngày càng tăng cao, các chủ đầu tư buộc phải tăng giá trị căn hộ.
Nguồn cung nhà chung cư ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM hạn chế đã khiến giá nhà chung cư tăng.
“Giá nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, cát, gạch cũng đang tăng mạnh là nguyên nhân khiến giá căn hộ tăng cao. Bên cạnh nguồn cung mới phân khúc nhà chung cư giá rẻ và giá trung bình hạn chế, những dự án chuẩn bị đầu tư cũng đang bị ách tắc bởi cơ sở pháp lý khiến thị trường sẽ thiếu hàng trong giai đoạn trung hạn” – ông Nguyễn Văn Đính nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, giá nhà chung cư tại Hà Nội tăng lên trong thời điểm này là điều không mong muốn nhưng bất khả kháng. Dự án chung cư trung bình phát sinh 15 – 20% chi phí do giá vật liệu xây dựng tăng lên, giá nhà bắt buộc phải tăng lên. Bên cạnh đó các chi phí về giải phóng mặt bằng, giá đất cũng đang được điều chỉnh tăng.
“Dòng tiền vào dự án tăng, hiệu quả đầu tư sẽ giảm đi, bên cạnh đó là nguồn tín dụng vào bất động sản đã bị hạn chế từ đầu năm khiến thị trường khó khăn, giá neo ở mức cao và khó bán” – vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nói.
Nguồn cung tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng khan hiếm dẫn đến tình trạng “sốt ảo”, đi kèm đó là hiện tượng thổi giá.
Nhà chung cư đang bị “thổi giá”?
Nhận định về hiện tượng giá nhà cao quá mức, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, tình trạng này rất có thể là một chiêu trò của ngành sale bất động sản. Về bản chất giai đoạn vừa rồi ở Hà Nội nguồn hàng khan hiếm các chủ đầu tư tận dụng tình trạng cầu cao, cung ít nâng giá lên và thông qua các đơn vị phân phối để bán sản phẩm.
“Trên thị trường có nhiều giá bán như giá trần, giá làm hàng, giá chênh… từ đó tạo ra một thị trường không chuyên nghiệp, thiếu minh bạch. Thiếu hàng thì mới phát sinh giá chênh từ giá chủ đầu tư, cũng có những hiện tượng thổi giá” – ông Nguyễn Văn Đính nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tình trạng “lệch pha” cung cầu khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững.
“Để kéo giảm giá nhà là rất khó, nhà ở xã hội nguồn cung nhỏ giọt, hàng loạt dự án nằm “đắp chiếu” do những vướng mắc, ách tắc về thủ tục hành chính. Việc giá nhà tăng, được đánh giá sẽ gây hệ quả nghiêm trọng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia” – ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Chủ tịch HoREA cho rằng, cần phải xây dựng quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính. Đồng thời cần sớm triển khai đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại ở đô thị loại 1, đô thị đặc biệt./.
VOV