Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực…
Khu vực huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 (Nghị quyết 12).
Nghị quyết 12 xác định xây dựng, phát triển huyện Cần Giờ đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân thành phố, nhằm khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng biển để Cần Giờ trở thành một trong những không gian mới, động lực mới thúc đẩy phát triển TP.HCM.
Việc phát triển kinh tế phải được kết hợp chặt chẽ với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử; bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội sẽ được đa dạng hóa, trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đi trước một bước nhằm tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng. Nguồn lực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định; tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế biển, liên kết chặt chẽ với các địa phương giáp ranh…
Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết 12 nêu rõ xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Trong đó, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 – 2030 tăng 20,7%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 40%; giảm hộ nghèo theo chuẩn của thành phố còn dưới 3%.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết 12 nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, việc quản lý, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ – Khu Dự trữ sinh quyển thế giới bền vững.
Kinh tế biển sẽ là chiến lược phát triển của Cần Giờ và từng bước định hình, thúc đẩy các ngành kinh tế chủ lực. Trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình dịch vụ, dịch vụ phụ trợ kinh tế biển.
Thành phố Cần Giờ trong tương lại sẽ là đô thị ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng mô hình nông thôn kiểu mẫu trong thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường; triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế – xã hội xã đảo Thạnh An.
Đặc biệt, công tác quản lý đất đai, đô thị phải hiệu quả cũng như đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội. Đảm bảo kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân…
Đảm bảo khu dự trữ sinh quyển không bị ảnh hưởng
Trước đó, tại hội thảo “TP.HCM – tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” được tổ chức ngày 31/3/2021, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết huyện Cần Giờ có dân số 73.278 người, diện tích hơn 704km2. Huyện Cần Giờ chỉ có 2 đầu phát triển là Bắc – Nam, nếu chỉ lên quận thì muốn phát triển cũng sẽ hạn chế. Khi đó, sẽ không còn sản xuất nông nghiệp ở Cần Giờ.
Các huyện khác đòi hỏi đáp ứng nhiều yếu tố để có thể lên quận nhưng huyện Cần Giờ chỉ cần tập trung phát triển 2 khu vực là có thể đạt được chuẩn đô thị du lịch và sinh thái trong tương lai.
theo Ban Mai- Báo Mới