‘Tiến sĩ tận thế’ dự báo suy thoái toàn cầu kéo dài 1 năm

Nhà kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini, người đã tiên đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, dự báo cơn suy thoái kéo dài và tồi tệ của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ xuất hiện vào cuối năm 2022 và kéo dài đến hết năm 2023. Cùng với viễn cảnh đó, ông cho rằng chỉ số S&P 500 (theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) có thể giảm đến 40%.

vietstock

Nouriel Roubini, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty tư vấn kinh tế vĩ mô toàn cầu Roubini Macro Associates, có trụ sở ở New York. Ảnh: Bloomberg

Trong cuộc phỏng vấn hôm 19-9, Roubini, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty tư vấn kinh tế vĩ mô toàn cầu Roubini Macro Associates, có trụ sở ở New York, cho biết: “Ngay cả trong một cơn suy thoái bình thường, chỉ số S&P 500 có thể giảm 30%”.

Nếu nền kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng”, tức suy giảm tăng trưởng mạnh và đột ngột,  Roubini dự báo chỉ số này có thể giảm đến 40%.

Nouriel Roubini hiện cũng là giáo sư giảng dạy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, đồng thời là nhà nghiên cứu và cố vấn ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng trung ương Israel. Ông từng là cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Roubini là người dự báo chính xác bong bóng nhà đất bùng vỡ ở Mỹ trong giai đoạn 2007 -2008, nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khiến ông được đặt biệt danh ‘Tiến sĩ tận thế’ (Dr. Doom).

Ông nói rằng những người mong đợi một cơn suy thoái nhẹ của Mỹ nên nhìn vào tỷ lệ nợ lớn của các doanh nghiệp và chính phủ. Theo ông, khi lãi suất tăng và chi phí trả nợ tăng, sẽ có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, ngân hàng và chính phủ yếu kém rơi vào tình trạng vỡ nợ. Ông nói: “Vì vậy, đến lúc đó, chúng ta sẽ xem ai đang bơi mà không mặc quần áo”.

Roubini, người đã từng cảnh báo mức nợ quá lớn của toàn cầu sẽ kéo các thị trường đi xuống, nói rằng việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% mà không “hạ cánh cứng” sẽ là nhiệm vụ bất khả thi đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ông dự báo Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hôm nay (21-9) và tăng tiếp 50 điểm cơ bản trong cả tháng 11 và tháng 12. Điều đó sẽ dẫn đến lãi suất của Fed vào cuối năm rơi vào khoảng từ 4-4,25%.

Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình lạm phát dai dẳng, đặc biệt trong lĩnh vực tiền lương và dịch vụ, có nghĩa là Fed có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất cao hơn, hướng đến mức 5%. Ngoài ra, những cú sốc về nguồn cung do tác động của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine và chính sách không khoan nhượng Covid của Trung Quốc sẽ khiến chi phí hàng hóa cao hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Roubini cho rằng điều này sẽ khiến mục tiêu “suy thoái tăng trưởng” hiện tại của Fed , tức tốc độ tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong một giai đoạn dài để ngăn chặn lạm phát , trở nên khó khăn.

Một khi kinh tế thế giới suy thoái, Roubini không kỳ vọng các biện pháp kích thích tài khóa sẽ được tung ra vì các chính phủ đang “cạn kiệt nguồn tài chính” sau khi gánh thêm nhiều nợ trong thời kỳ dịch bệnh. Theo Roubini, nếu các chính phủ kích thích tài khóa giữa lúc lạm phát vẫn ở mức cao, họ sẽ làm nhu cầu tăng nóng quá mức.

Rốt cục, Roubini nhận định kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ (kinh tế tăng trưởng thấp và lạm phát cao)  như trong thời kỳ thập niên 1970 và tình trạng nợ nần chồng chất như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ông nói: “Đó sẽ không phải là một cơn suy thoái ngắn và nhẹ, mà sẽ nghiêm trọng, kéo dài và tồi tệ”.

Roubini dự báo cơn suy thoái của Mỹ và toàn cầu sẽ kéo dài hết năm 2023, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các cú sốc nguồn cung và khó khăn tài chính. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các hộ gia đình và ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lần này, ông cho biết nhiều doanh nghiệp và ngân hàng bóng tối, chẳng hạn như quỹ phòng hộ, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và quỹ tín dụng, sẽ sụp đổ.

Trong cuốn sách mới của mình, có tựa đề “Megathreats”, Roubini đã nhận diện 11 cú sốc nguồn cung tiêu cực trong trung hạn làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng do chi phí sản xuất tăng.

Chúng bao gồm phi đảo ngược toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, làn sóng chuyển địa điểm sản xuất từ ​​Trung Quốc và châu Á sang châu Âu và Mỹ, già hóa dân số ở các nền kinh tế tiên tiến và thị trường mới nổi, hạn chế di cư, tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, biến đổi khí hậu toàn cầu và các đại dịch tái diễn.

Ông nói: “Chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi chúng ta chứng kiến một đại dịch tồi tệ tiếp theo”

Lời khuyên của ông dành cho các nhà đầu tư là: “Bạn phải giảm nắm giữ cổ phiếu và tích trữ nhiều tiền mặt hơn”. Ông nói dù tiền mặt bị xói mòn giá trị do lạm phát, nhưng giá trị danh nghĩa của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi đó, giá cổ phiếu và các tài sản khác có thể giảm 10-30%. Đối với tài sản có thu nhập cố định, ông khuyến nghị tránh xa các trái phiếu có kỳ hạn dài và tăng nắm giữ trái phiếu chính phủ có kỳ hạn ngắn hoặc các trái phiếu chính phủ chống lạm phát (TIPS), có vốn gốc tăng giảm theo tỷ lệ tăng của lạm phát.

Lê Linh

TBKTSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *