TS Lê Xuân Nghĩa tiết lộ, tại cuộc họp với Thủ tướng, một vấn đề được đề cập là tử huyệt của nền kinh tế. Theo đó, với tổng đáo hạn cuối năm 2022 là 84.000 tỷ đồng, cả năm 2023 là 140.000 tỷ đồng, thị trường trái phiếu đổ bể, vỡ nợ chính là tử huyệt của kinh tế vĩ mô.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Tại toạ đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp – Niềm tin và Trách nhiệm”, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng (khoảng 5 triệu tỷ đồng).
Theo vị chuyên gia này, những năm vừa qua, vốn huy động từ trái phiếu tăng trưởng khoảng 30% – 35%/năm. 2 năm sau, khối lượng trái phiếu có thể tăng lên gấp đôi khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, 2 năm kế tiếp tăng lên 5,6 triệu tỷ đồng và 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ đồng.
Con số 11,2 triệu tỷ đồng, theo TS Nghĩa, gần như gánh được vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng hiện đang dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.
“Đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai. Hiện có nhiều quan điểm cho rằng trái phiếu giống như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, còn nhiều trường hợp sai phạm và từ phía nhà đầu tư phải vẫn phải ráng chịu. Tuy nhiên, trái phiếu vẫn là thị trường vô cùng quan trọng. Chỉ là nó đang không được phát triển với tâm thế xem như là máu của nền kinh tế thị trường”, vị chuyên gia này cho biết.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường trái phiếu. Bộ phận phát triển thị trường trái phiếu cũng chỉ là bộ phận hẹp trong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này được cho là “đáng trách” vì thị trường trái phiếu có độ rủi ro tương đối cao, cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn.
TS Lê Xuân Nghĩa tiết lộ, tại cuộc họp với Thủ tướng, một vấn đề được đề cập là tử huyệt của nền kinh tế. Theo đó, với tổng đáo hạn cuối năm 2022 là 84.000 tỷ đồng, cả năm 2023 là 140.000 tỷ đồng, thị trường trái phiếu đổ bể, vỡ nợ chính là tử huyệt của kinh tế vĩ mô.
Ông dẫn chứng về trường hợp của Hà Nam (Trung Quốc), khi trái phiếu đổ bể, thị trường bất động sản theo đó cũng đổ bể, dân chúng nợ tiền ngân hàng biểu tình không trả vì cho rằng ngân hàng “làm hỏng” thị trường trái phiếu, làm họ mất nhà. Cùng với đó, người gửi tiền cũng biểu tình vì không thể rút các khoản tiết kiệm. Ngay lập tức, Chính phủ thể hiện trách nhiệm “ghê gớm” và tuyên bố sẽ cho phép xây dựng cho đến khi hoàn thành các dự án nhà ở. TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề rằng: “Chúng ta dám làm vậy không?”.
“Trách nhiệm lớn lao nhất thuộc về Chính phủ, chỉ trên nền tảng trách nhiệm của Chính phủ mới có thể tạo ra lòng tin. Và lòng tin là thứ quyết định sự phát triển của thị trường”, ông Nghĩa khẳng định.
Đồng quan điểm với TS Lê Xuân Nghĩa, TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng ở thị trường trái phiếu tồn tại vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường.
Theo TS Thành, thị trường trái phiếu của Việt Nam hình thành từ những năm 90 và đã phát triển khá đa dạng cho đến nay. Vấn đề ở đây là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, cần phải xác định rõ nên giám sát thị trường tài chính như là thị trường hợp nhất hay chuyên biệt.
“Từ khi thành lập, Ủy ban giám sát đã quản lý gắn với kinh tế vĩ mô, điều tiết các vấn đề tài chính bên cạnh đó là giám sát các định chế tài chính. Trong bối cảnh mới, chúng ta có thể xem xét lại vai trò và trách nhiệm của ủy ban giám sát chứ không cần thiết phải lập lại thị trường”, TS Võ Trí Thành nói.