Chuyện làm đường Rừng Sác, kéo Cần Giờ gần hơn thành phố

Qua phà Bình Khánh, hiện ra trước mắt tuyến đường dài 36,5km thênh thang, xuyên qua bạt ngàn rừng ngập mặn đến điểm cuối là thị trấn Cần Thạnh.

Đổi thay ở chiến khu xưa

Những ngày giữa tháng 9, PV Báo Giao thông trở lại Rừng Sác – Cần Giờ trên tuyến xe buýt số 75 (Bến xe Cần Giờ – Công viên 23/9). Trên xe, bà Nguyễn Thị Bé Sáu (75 tuổi) vừa say sưa ngắm cảnh 2 bên đường, vừa chậm rãi nói: “Từ khi có đường Rừng Sác, lại có thêm xe buýt chạy từ Cần Giờ lên trung tâm thành phố, giá chỉ có 30 nghìn đồng, tui đi thành phố miết”.

Cũng như bà Sáu, cách đây vài chục năm, những người sống và làm việc ở huyện Cần Giờ, không ai hình dung nổi sau này sẽ có một con đường mới băng xuyên qua rừng như ngày hôm nay.

Đường Rừng Sác băng qua rừng ngập mặn Cần Giờ

Thầy Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên trường Tiểu học Cần Thạnh 2, còn nhớ, năm ông 19 tuổi – khi đang đi học ở trung tâm thành phố – mỗi vé xem phim ở các rạp đều trích lại một phần để góp phần xây dựng tuyến đường này.

Nên trong công trình đường Rừng Sác, mỗi người dân TP.HCM đều có một phần đóng góp. Thầy Hoàng hồi đó nằm trong số hiếm hoi thanh niên ở Cần Giờ lên thành phố học.

“Thời đó, chỉ những bạn trẻ có ý chí lắm mới đi học bởi từ nhà đạp xe đến trường (trung tâm thành phố, trên đường Nguyễn Du) mất hết cả ngày trời.

Còn không thì lầm lũi ở nhà làm vuông tôm, làm rừng, làm nghề biển…”, thầy Hoàng nói và cho biết bản thân từng không tin rằng có ngày đường sá nơi đây lại thuận, nhiều người mua đất xây nhà, làm nơi nghỉ dưỡng, dân cư ngày một đông đúc như hiện nay…

Ông Nguyễn Công Sự gắn bó với mảnh đất Cần Giờ từ khi nơi này còn hoang vắng

Ông Nguyễn Công Sự gắn bó với mảnh đất Cần Giờ từ khi nơi này còn hoang vắng

Ông Nguyễn Công Sự (74 tuổi) hiện đang sống ở thị trấn Cần Thạnh – cuối đường Rừng Sác, chia sẻ hồi năm 1985 khi nhận quyết định chuyển công tác, ông đưa vợ và 4 người con nhỏ từ tỉnh Ninh Bình vào huyện Cần Giờ làm việc, sinh sống.

Đặt chân đến vùng đất mới, hai vợ chồng té ngửa khi thấy đây là vùng rừng ngập mặn hoang sơ, không có một ngôi nhà. Cả gia đình lúc đó trong tình thế “đi cũng dở, ở không xong”.

Thế rồi gần 40 năm trôi qua, cả gia đình ông yêu và gắn bó với miền đất phương Nam này: “Sống ở đây quen rồi, không khí mát mẻ, mở cửa cả ngày hay xe cộ để ngoài đường cũng không lo bị trộm cắp”.

Vợ chồng ông là người đầu tiên sống ở cái xóm nhỏ này, trước nhà khi đó là con đường đất đỏ nhỏ xíu. Đến năm 2002, thành phố khởi động làm đường mới. Máy móc tập trung ngay nhà ông.

Một nhóm công nhân hơn 10 người thuê nhà ông làm chỗ ở. “Không khí lúc đó phấn khởi lắm. Vợ tôi lúc đó hay nấu cơm cho các anh em làm đường ăn”, ông Sự nhớ lại.

Từ khi làm đường xong, người dân về đây đông hẳn lên. Nhà cửa khang trang san sát nhau. Có tiệm tạp hóa, rồi có quán ăn, có chợ và nay thì có cả nhà hàng và khách sạn khi du khách các nơi cuối tuần thường đổ về.

Trước khi có đường Rừng Sác, từ Cần Giờ muốn lên trung tâm thành phố chỉ đi bằng xuồng, đò. Theo ông Sự, mỗi khi có công việc hay đi bệnh viện phải chuẩn bị từ 4h sáng, ra khỏi nhà đến bến đò cách nhà 7km mới kịp chuyến đò lúc 5h.

Mỗi ngày đò chỉ chạy một chuyến. Đò xuôi dòng nước khoảng 5 tiếng là đến bến Bạch Đằng, hôm nào ngược dòng còn lâu hơn nhiểu. Mỗi lần đi lại như thế cũng phải mất hai ngày.

“Con đường đền ơn đáp nghĩa”

Tiến sĩ Lê Đức Tuấn

Tiến sĩ Lê Đức Tuấn

TS. Lê Đức Tuấn hiện là giảng viên Khoa Địa lý trường Đại học KHXN&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, năm 1978, ông được phân công về Lâm trường Duyên Hải làm Đội trưởng Đội Kỹ thuật sản xuất với nhiệm vụ hướng dẫn người dân và cán bộ trồng rừng nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.

“Khi đó, khu vực này chỉ có con đường nền đất liên xã từ Bình Khánh về đến An Nghĩa dài 11km, những lúc mưa bão đường sình lầy gần như không đi được”, ông Tuấn nói và cho biết, phương tiện anh em trong lâm trường và người dân ở đây đi lại chủ yếu là ghe tàu.

Dự án mở rộng đường Rừng Sác được khởi công xây dựng từ năm 2002, đường cấp IV, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích thanh niên xung phong.

Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 hoàn chỉnh nền hạ. Ngoài làm đường còn xây dựng 7 cây cầu tải trọng 30 tấn để thay thế những cây cầu cũ đã yếu, xuống cấp; phát quang mặt bằng khoảng 740.000m2, nạo vét hơn 540m3 bùn…

Giai đoạn 1, được khánh thành vào đầu năm 2011. Tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gọi đây là “con đường đền ơn đáp nghĩa”. Bởi những hi sinh, mất mát của Cần Giờ trong chiến tranh để bảo vệ cán bộ nay đã được những thanh niên xung phong từng bước khôi phục, xây dựng lại.

Giai đoạn 2 của dự án mở rộng mặt đường lên 6 làn xe. Sau giai đoạn này, đường Rừng Sác được nâng từ cấp IV lên cấp I. Trên trục đường này có 8 cây cầu mới. Tổng vốn đầu tư toàn dự án 1.561 tỷ đồng.

Kỷ niệm cầu “xây dần” và đường xuyên rừng nguyên sinh

Giao thông huyện Cần Giờ, ngày càng hoàn thiện giúp địa phương ngày càng phát triển

Giao thông huyện Cần Giờ, ngày càng hoàn thiện giúp địa phương ngày càng phát triển

Theo chủ đầu tư dự án, do khối lượng công việc trải dài trên suốt tuyến (hơn 31km) và thi công trong điều kiện vừa làm vừa đảm bảo giao thông nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một công trình rất kỳ công vì thi công làm đường trên vùng đất yếu, “không chân”, trong khi quá trình vận chuyển vật tư chủ yếu bằng đường thủy.

Để hoàn thành đường Rừng Sác, khó khăn nhất là kết nối 7 cây cầu vượt sông, băng rừng. Do ảnh hưởng “bão giá”, có những cây cầu bị đội vốn hơn 100 tỷ đồng, tài chính khó khăn khiến có cây cầu bị tạm ngưng tới 5 năm. Báo chí thời đó gọi cây cầu Dần Xây ở vùng này là… cầu Xây Dần là vì vậy!

Ông Trịnh Văn Khâm, Trưởng ban Quản lý Dự án Công ty Quản lý công trình cầu phà TP.HCM, chủ đầu tư công trình cầu trên đường Rừng Sác cho biết, cầu An Nghĩa là cây cầu lớn nhất trên tuyến với chiều dài 386,9m, chiều rộng 13,5m, tổng vốn đầu tư hơn 56,2 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh vốn lên 137 tỷ đồng.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, người tham gia tư vấn thiết kế cầu đường Rừng Sác cho biết, khi thiết kế những cầu vượt sông và nút giao bị hỏng 2 – 3 lần. Sở GTVT phải cử chuyên gia xuống giúp ngày đêm, do đây là rừng nguyên sinh, xây dựng phải làm sao bảo vệ rừng….

Thị trấn Cần Thạnh là trung tâm của huyện Cần Giờ, ngày nay được đầu tư hạ tầng giao thông tương đối tốt. Từ bến xe Cần Giờ, theo các tuyến xe buýt số 75, 77, 90 có thể đi về tận các ấp, xã ở vùng ven. Tuyến xe buýt đi từ trung tâm huyện đến trung tâm thành phố chỉ mất hơn 2 giờ.

Theo lãnh đạo huyện Cần Giờ, con đường Rừng Sác mở ra là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Giai đoạn 2015 – 2020, lượng khách du lịch đến Cần Giờ đạt hơn 10 triệu lượt, tăng bình quân hơn 30%/năm, doanh thu đóng góp cho ngân sách đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Nhiều dự án resort 5 sao, khu đô thị lấn biển cũng đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Ngoài tuyến đường Rừng Sác, hiện có tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ; Huyện cũng đã đề xuất tuyến mở phà biển Cần Giờ – Gò Công (Tiền Giang). Đặc biệt, hiện TP.HCM đang chuẩn bị thủ tục đầu tư cầu Cần Giờ nối địa phương này qua Nhà Bè, giúp thay phà Bình Khánh.

Đỗ Loan – Lê Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *